ASHRAM TÂM PHỤNG SỰ #1

Ashram:

Tâm  Phụng  Sự

 

Bạn thấy gì lạ không ? Chắc có. Bạn nào quen rất thân với Theosophie hẳn nhớ rằng tựa bài trên ngày xưa đã được dùng, khi PST còn bé. Chữ Ashram mang nhiều ý nghĩa nên vài điều chưa nói tới trong bài ấy nay được trình bày. Ashram là danh từ Ấn, mang nghĩa chung hoặc đạo viện nhiều người hoặc là nhà tĩnh tâm của một người lập nơi vắng vẻ, trường hợp sau còn được gọi là tịnh cốc. Ngoài những ý quen thuộc này, ashram còn được dùng để chỉ hoạt động bên trong mà chữ đạo viện hay tịnh cốc đều không thích hợp. Đạo viện gợi cho ta hình ảnh nơi con người lui tới, học đạo dưới chân thày, theo đuổi các hoạt động tâm linh như tham thiền, nghiền ngẫm kinh sách xưa, tách rời cuộc sống nhộn nhịp bên ngoài. Trong đạo viện như vậy, anh được khuyến khích thực hiện những tăng trưởng tâm linh dưới sự trông nom của một bậc thày. Tịnh cốc làm mạnh thêm ý nghĩa sau khi tiếng kêu gọi của thế giới bên trong ắt hẳn níu kéo từ thế giới bên ngoài. Nhưng Ashram còn một ý mà đạo viện hay tịnh cốc không cho nghĩa chính xác, nên trong bài này, chữ tâm phụng sự (TPS) được dùng.

Một điều cần nói thêm để làm rõ ý vì sao hai chữ trên không thích hợp. Phụng sự là nét chính của người theo chánh đạo, chúng ta hay nghe nói tới các vị Bồ tát từ chối Niết Bàn để cứu chúng sinh, và kinh thánh dạỵ rằng khi ta giúp người hoạn nạn, bệnh tật, đau khổ ấy là ta đang giúp chính đấng Christ. Vì vậy, khi nói về hoạt động của những người muốn theo gương Bồ tát và đức Christ, chữ đạo viện không đủ nghĩa, chữ tịnh cốc càng xa ý chính. Cả hai gợi ý một địa điểm u nhàn cây cao bóng cả, thanh vắng chỉ có con người đối diện với hai điều mỹ lệ: chân lý và thiên nhiên. Nhưng con đường Phụng sự ít khi giống như vậy nên chữ ashram nếu dùng để chỉ một tập họp người theo con đường này, “tâm phụng sự” xét ra sát với ý nghĩa nhất.

Hiểu theo ý trên, TPS không có mục đích chính là giảng dạy minh triết hay huấn luyện người phụng sự, dù rằng ai gia nhập trước sau rồi cũng lãnh hội hai điều này. TPS được thành hình, để làm việc, để thực hiện một phần công tác của cơ tiến hóa, như vậy có những TPS ra đời từ xưa, đang lập hay mai kia sẽ xuất hiện, tùy theo nhu cầu đòi hỏi và cũng tùy vài yếu tố khác. Có nhiều TPS ứng với các luồng năng lực và các cung. Trước hết, trong ba đặc tính Ý chí, Bác ái và Minh triết, cái chót đã thể hiện trong chu kỳ rồi, nay Bác ái là đặc tính của chu kỳ này nên TPS cung hai được thành lập trước tiên. Từ cái tâm chính đó những tâm phụ thuộc cung hai lần lượt thành hình khi có linh hồn đủ sức đáp ứng lại môt luồng năng lực và khi thế giới cần bước tới một trình độ cao hơn. Ý chí là đặc tính thiêng liêng chỉ được biểu lộ trọn vẹn trong chu kỳ tới nên vào lúc này TPS cung một chỉ mới manh nha và chưa có tâm phụ.

Cơ tiến hóa là tổng hợp nhiều giai đoạn mà mỗi TPS cùng với tâm phụ của nó giúp thực hiện một phần, ai gia nhập một TPS sẽ được huấn luyện - không phải để giúp anh phát triển tinh thần dù điều này sẽ có khi công tác hoàn tất - để làm tròn phần việc tùy khả năng và tính chất của mình. Công tác giao cho một TPS có nhiều mức độ từ dễ đến khó thế nên TPS gồm đủ mọi cấp bậc, từ người chí nguyện mới bước vào đường phụng sự còn ngơ ngác dễ yêu, nồng nhiệt với lý tưởng cho đến người già dặn kinh nghiệm, biết giá trị của sự yên lặng và phụ trách phần công tác đòi hỏi một khả năng cao. Cứ như thế lên cao dần đến vị Chân Sư đứng đầu TPS.

Dù lớn dù nhỏ, TPS luôn được tổ chức theo cách này. Đấng cao cả lập TPS sẽ có ba phụ tá thân cận ngài, liên hệ mật thiết và chia xẻ sự hiểu biết của ngài về phần việc phải làm và cách thực hiện nó, cùng giúp ngài chăm sóc các nhóm viên. Một TPS gồm hai phần:  nội tâm và ngoại tâm. Nội tâm gồm người tiến hóa xa chịu trách nhiệm những phần việc khó, và ngoại tâm gồm người mới tập theo bước Chân sư. Kinh thánh cho thí dụ về hệ thống làm việc của một TPS: mười hai tông đồ là nội tâm trong đó có ba vị gần gũi đức Christ nhất (thánh Peter, thánh John…), rồi bảy mươi đệ tử là TPS nguyên vẹn và sau chót là năm trăm người trên đường dự bị. Dù ở vòng ngoài, năm trăm người này được chính Chân Sư trông nom mà không giao cho ba, chín hay bảy mươi đệ tử kia. Chỉ vào lúc họ trở nên đệ tử đích thực, các đệ tử lớn mới thay ngài coi sóc những huynh đệ ấy. TPS cao nhất là của đức Ngọc đế (Sanat Kumara) theo cùng hệ thống trên, ngài có ba vị Độc giác Phật là phụ tá, tiếp theo là chín vị Chân sư đứng đầu các cung. Con số đệ tử trong một TPS thay đổi, không phải lúc nào cũng là 500 nhưng phương thức 1:3 luôn được giữ. Người phụng sự bắt đầu gia nhập sẽ qua từng chặng, lần lượt từ vòng ngoài tiến dần đến vòng trong rồi bước vào nội tâm khi anh:

● Cảm ứng hoàn toàn với tâm Chân Sư, ý thức những chi tiết việc ngài phải làm, đường lối thực hiện chúng.

● Được giao phó một số năng lực của TPS để tạo kết quả ở cõi trần.

Nội tâm nói chung gồm những linh hồn không còn bản ngã và như vậy, có tự do tinh thần; ngoại tâm gồm linh hồn còn vướng bận ít nhiều cái tôi. Óc phân tích và phê bình khó thể hiểu được TPS đích thực. Nó là tiêu điểm nhận năng lực, bao gồm những gắng công của ai thấy chung một viễn ảnh, cũng hiểu phần bí ẩn của sự sống và những luật lệ quản trị hành động. TPS không phải là nơi để tham thiền, nhưng là nơi phát xuất nguyên nhân của hành động với kết quả thành hình ở cõi trần, là nơi mà tinh thần là một thực tế. TPS là cao điểm, là trạng thái tâm linh của nhóm người theo đuổi chuyện tinh thần; tất cả hướng tư tưởng về nó và như vậy bắt được viễn ảnh rõ rệt của tương lai ngoại trừ phương pháp làm việc nơi cõi trần. Điều sau này tùy sáng kiến và khả năng của người nhận công việc.

Chữ đạo viện và tịnh cốc không được dùng còn vì một lý do sau: cả hai ngụ ý một địa điểm trong khi TPS không có nơi chốn. TPS gồm người đủ mọi quốc tịch với tính chất khác biệt nhau, thuộc nhiều cung và ở mọi trình độ. Họ có thể đang sống ở cõi trần hay đã rời bỏ thân xác, làm việc ở cõi cao giữa hai kiếp sống. Điều nối liền cả bọn là sự nhạy cảm với một lý tưởng, và như đã nói TPS là cao điểm tiếp nhận năng lực, do vậy TPS đích thực ngụ ở cõi Bồ đề, từ đó năng lực mạnh mẽ thu hút người cảm ứng với nó, đồng thời người chí nguyện do nỗ lực phụng sự cũng thu hút năng lực này; cả hai tác động lên nhau theo luật đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Khi ai gia nhập, bài học đầu tiên là tập hòa hợp, phát triển tình hữu ái với bạn đồng môn, củng cố sự liên lạc giữa họ với TPS. Kế đó họ tập thấu đáo với phần việc của TPS, những năng lực nào cần thể hiện trong đời (chẳng hạn tình thương) và năng lực nào cần được hóa giải (thí dụ lòng kỳ thị) để cơ tiến hóa được thành. Mục đích tối hậu của mỗi TPS là Chân lý, các họat động của TPS cố gắng thể hiện Chân lý mọi lúc ở mọi trình độ. Người phụng sự không ngừng tiến vào tâm sự sáng và cố làm việc theo mực hiểu biết của mình, càng ngày anh càng tỏ ra hữu dụng hơn rồi cả nhóm hiểu ra điều phải làm và cuối cùng, làm xong điều ấy.

Bây giờ thử đi sâu vào chi tiết hai điều:

1. Cách tạo một tâm phụng sư (TPS)

Khi muốn tạo một Ashram, vị Chân Sư dùng cách thức y như của Thượng Đế, ngài tham thiền, phác họa, phát ra âm phụng sự đặc biệt của riêng mình và tổ chức bắt đầu hình thành. Với tư tưởng được tập trung và hướng về mục đích (a), ngài thu hút những linh hồn rung động giống mình, hoặc vì họ cùng một cung, có liên hệ nhân quả, ở một trình độ tiến hóa thích hợp, và cùng tình thương nhân loại. Do (a) vị Chân sư tạo một kho tư tưởng thuần khiết và mỗi người trong Ashram sẽ  góp phần vào đó. Trên sao, dưới vậy, nếu người phụng sư (PS) chịu ảnh hưởng của vị Chân Sư thì kho tư tưởng của ngài cũng nhận ảnh hưởng của Đấng là Chân sư của ngài, và bởi Chân sư cũng đang tiến hóa, kho ấy sẽ dần phát triển và nảy nở thêm khi ngài kinh nghiệm hơn, cũng như hoàn hảo từ từ khi minh triết của ngài lớn mạnh và khả năng thực hiện thiên cơ của ngài tăng trưởng. Đây là chuyện mà người học hỏi MTTL hay quên:

Chân sư cũng là linh hồn đang học hỏi để tiến hóa. Ngài thêm vào kho tư tưởng viễn kiến của mình, còn người PS thêm vào đó kinh nghiệm trong nhiều kiếp và mộng mơ thánh khiết của anh.

Muốn bắt được luồng thu hút mạnh mẽ của kho tư tưởng ấy, con người cần phát triển bản năng tinh thần tới một mức độ cần thiết. Bản năng tinh thần trong đời sống tâm linh tựa như phản xạ của bản năng tự động của thân xác ở đời sống hàng ngày, và một trong những bản năng tinh thần là trực giác. Vai trò của trực giác quan trọng khi ta nhớ lại Ashram ngụ ở cõi bồ đề, và đặc tánh của cõi ấy là trực giác. Chúng ta đã nói mỗi TPS thuộc về một cung rõ rệt, nhưng người trong đó có thể thuộc về nhiều cung khác nhau, và ở mọi trình độ từ cao xuống thấp. Với thành phần phức tạp như vậy, điều gì làm TPS đúc kết thành một tâm duy nhất ? Hay yếu tố nào đã liên kết mọi người lại với nhau ? Nó gồm các yếu tố sau:

●  Khả năng liên lạc trực tiếp với Thiên Đoàn (Hierachy) của vị Chân Sư, và nhờ đó ngài thấy được phần việc cần làm hiện thời. Ngài thấy được thiên cơ, và thiên cơ ấy xác định nét hoạt động của TPS trong bất cứ thời điểm nào.

●  Sự liên hệ chặt chẽ của người trong Ashram. Quy luật của TPS là cá tính (hay phàm nhân) được bỏ ngoài cửa khi bước vào. Cõi trực giác không có sự tranh luận đôi co hay nhấn mạnh đến ý cá nhân, vì không một rung đông nào thuộc PN lọt được vào TPS. Họ được nối kết bởi một viễn ảnh, một nhịp rung động tuy không phải mọi người cùng làm một chuyện, theo cùng một cách thức và cùng một lúc.

●  Việc bàn soạn kế hoạch và phân chia công tác được trực nhận bằng sự tham thiền. Vị Chân sư đứng đầu một TPS không nói “ Con làm điều này “ hay “ Con làm điều kia “.  Khi tham thiền nghiên cứu công việc, người trong Ashram hòa điệu tư tưởng làm một với nhau và mỗi người thấy, theo nghĩa tâm linh, khi nào và ở đâu anh cần làm việc. Chuyện đáng nói là họ không ngồi tham thiền chung, ngược lại họ phải làm nẩy nở khả năng sống luôn luôn bằng nhận định trực giác. Và tại sao ? Bởi đó là cách thức họat động của Thiên Đoàn.

2. Phương cách làm việc

Tư tưởng và khả năng suy tư là hai điều hết sức quan trọng với người trong Ashram, vì Thiên Đoàn làm việc về mặt tinh thần với những nguyên lý trường tồn, bất diệt và ít coi trọng phần vật chất dễ hư hoại, vô thường. Thế nên vùng hoạt động của các ngài bắt đầu từ cõi thượng trí đi lên, sử dụng năng lực của cõi ấy với cõi bồ để. Do đó, người PS phải học cách làm việc bằng tư tưởng trừu tượng và sử dụng trực giác tới mức cùng. Nói khác đi, anh làm việc bằng lực và năng lực ở cõi tinh thần, thay vì với hiện tượng cõi vật chất.

Trong một Ashram, năng lực tiên khởi phát xuất từ Chân sư, rồi mỗi người trong nhóm có năng lực riêng của mình đáp ứng lẫn nhau vào với ngài, khiến cho kết quả trên một cá nhân là phần xấu và tốt của anh được tăng cường. Nhìn theo cách đó TPS là một xoáy lực gồm nhiều năng lực tác động lên nhau, và đặc biệt vị Chân sư phải cẩn thận sao cho các thể của họ không bị khích động quá mức vì được tiếp xúc với làn rung động cao của ngài, tựa như lửa quá nóng khíến bánh khô cứng lại thay vì nở ra xốp nhẹ. Công việc của ngài là điều hòa các lực khác nhau, và gợi hứng phần việc phải làm.

Có hai chuyện song song ở đây. Về cơ cấu ta đã nói đến nội tâm và ngoại tâm ở trên, về mặt năng lực ta có năng lực đến từ Thiên Đoàn, từ đức Ngọc đế và lực đi phát ra lúc người trong Ashram phụng sự. Như vậy sự tương quan giữa các điều này là nội tâm - gồm Chân sư và đệ tử lớn theo sự điều khiển của ngài - tiếp nhận năng lực đến, và ngọại tâm - gồm đệ tử trẻ - nhận lực đi, phân phát nó, hướng nó ra thế giới bên ngoài theo đúng thiên cơ. Nội tâm bận rộn với viễn ảnh, đường lối của thiên cơ và sự thực hiện nó nơi cõi trần; ngoại tâm học hỏi các điều trên và thi hành, cụ thể hóa; và trách nhiệm của người ở vòng ngoài cũng là cảm được nhu cầu, tìm ra phương cách đáp ứng nhu cầu cùng biết hợp tác với hai tâm trên. Tùy nơi người sau này mà ta có sự thành công của một Ashram ở thế giới bên ngoài.

Bạn thấy ngay là theo đường lối ấy, sự hiểu biết về thiên cơ trong TPS chỉ có khi con người đủ khả năng tiếp xúc với kho tư tưởng của Chân sư, nhưng anh không được ngừng ở đó, để mãi mãi tùy thuộc vào người khác, tiếp nhận cảm hứng do người đó chuyền lại cho mình. Anh phải học cách tự mình tiếp xúc và bắt được tư tưởng thiêng liêng, đi sâu vào chuỗi suy tư của đức Ngọc Đế. Bằng cách nào ? Bằng cách tham thiền. Nhưng đó là chuyện phụ ở đây, ý muốn nói là  tham thiền là một nét chính của TPS. Chân sư làm việc bằng cách tham thiền với đề tài  là thiên cơ, và mỗi Ashram của ngài là một tâm tham thiền mà người phụng sự góp phần bằng nỗ lực tham thiền riêng của anh. Với người ở vòng ngoài, đó là mối ưu tư về hiện tình thế giới, về những vấn đề của nhân loại.

Thế nên, TPS và người trong đó thực hiện kế hoạch của Chân sư, đáp ứng với nhu cầu nhân loại đúng nơi và đúng lúc. Cái nhìn của Ashram, hay Thiên Đoàn, có thể không giống cái nhìn của nhân loại, bởi Thiên Đoàn chú tâm tới điều cần cho sự tiến bộ của giống dân vào một thời điểm nào đó. Thí dụ nhân loại tin điều quan trọng là hòa bình và mặt vật chất được đầy đủ, còn Thiên Đoàn biết nhu  cầu chinh yếu là sự nhìn nhận việc chia rẽ khờ dại giữa các quốc gia, và cần phải vun bồi thiện chí. Thế nên điều sau là mục tiêu mà người PS trong Ashram dồn hết sức mình để làm việc, họ ráng trình bày các chân lý ấy dưới dạng làm nhân loạị chấp thuận được và nảy sinh hành động tương ứng, có nghĩa họ phải biểu lộ cái nhu cầu thực sự bằng hình thức hợp với khả năng tiếp nhận của thế giới vào thời điểm này.

Công việc của một Ashram như vậy đòi hỏi người trong đó phát triển trực giác và óc trừu tượng cao độ, cùng với một cá tính điều hòa, ba phần thân tâm trí nảy nở và chịu sự hướng dẫn của CN. Thế nên với câu hỏi tất nhiên ở cuối bài: Làm thế nào để bước vào một Ashram, câu trả lời tất nhiên sẽ là: Học hỏi, Tham thiền và Phụng sự.
Hợp lý, phải không bạn ?

Xem Ashram: Tâm Phụng Sự 2

Tài liệu :
- Discipleship in the New Age (Vol. I & II), Alice A. Bailey
- The Rays and the Initiations, Alice A. Bailey

 

Geese